Ngày đăng: 17/02/2012 | Lượt xem: 5870
Hiện nước ta có trên 7.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo. Doanh thu từ hoạt động này năm 2006 ước đạt trên 400 triệu USD. Tuy nhiên, hoạt động của ngành vẫn chưa chuyên nghiệp, cạnh tranh kém lành mạnh và hầu hết đội ngũ nhân viên không được đào tạo.
Những bước tiến đầu tiên của Ngành quảng cáo non trẻ.
Những năm trở lại đây, hoạt động quảng cáo có bước phát triển mạnh. Thông tin quảng cáo không chỉ có trên truyền hình, phát thanh, báo viết, hay báo điện tử, các trò chơi điện tử; mà còn trên các bảng, biển, pano, băng-rôn, trên các phương tiện giao thông; trong các hội chợ triển lãm, hoạt động thể thao, biểu diễn nghệ thuật; trên các xuất bản phẩm, sản phẩm in và các phương tiện quảng cáo khác.
Diện mạo của hoạt động quảng cáo hiện nay phong phú, có xu hướng phát triển theo hướng tích cực, đúng hướng theo sự phát triển kinh tế- xã hội và giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc. Hoạt động sản xuất, kinh doanh dịch vụ quảng cáo của các doanh nghiệp đã từng bước mở rộng cả về qui mô, chất lượng; tính chuyên nghiệp đã dần theo kịp trình độ chung của các nước trong khu vực. Một số doanh nghiệp đã khẳng định được vị trí trên thị trường, hoạt động mang tính chuyên nghiệp và thực hiện được tất cả các công đoạn của quá trình hoạt động quảng cáo (từ lập chiến lược quảng cáo, sáng tạo ý tưởng đến tạo mẫu sản phẩm quảng cáo). Tuy nhiên, số lượng các doanh nghiệp này không nhiều.
Hiện nay, tại nước ta có 25 doanh nghiệp quảng cáo có yếu tố nước ngoài và 30 văn phòng đại diện của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo nước ngoài tại Việt Nam. Hầu hết các đơn vị này đặt trụ sở tại thành phố Hồ Chí Minh. Sự có mặt của các doanh nghiệp này góp phần làm cho hoạt động quảng cáo sôi động hơn. Các doanh nghiệp của Việt Nam có điều kiện tiếp cận với công nghệ tiên tiến và học hỏi kinh nghiệm, từng bước mở rộng hoạt động, nâng cao khả năng cạnh tranh...
Và những cái khó... bó lấy doanh nghiệp quảng cáo
Ông Hà Đình Thái - Chủ tịch Công ty cổ phần quảng cáo Hà Thái, tỏ ra bức xúc về tình trạng cạnh tranh không lành mạnh của các doanh nghiệp bằng cách hạ giá... vô tội vạ. Ông Hà Đình Thái nêu lên một ví dụ: "Đơn vị tôi thực hiện ký hợp đồng với một số khách hàng với giá 75 USD/m2, thì có rất nhiều doanh nghiệp khác người ta chỉ ký với giá 35 USD/m2, như vậy là phá giá. Hoặc một số doanh nghiệp có biển quảng cáo bị một số doanh nghiệp khác đến thuê người dân trả với giá cao hơn". Đó là chưa kể tình trạng quảng cáo chui, quảng cáo tràn lan trên bờ tường, cột điện... không kiểm soát nổi.
Hiện nay, lợi nhuận mà các doanh nghiệp quảng cáo Việt Nam thu được còn khiêm tốn, mới chỉ chiếm 30%. Điều này cho thấy sức cạnh tranh của các doanh nghiệp quảng cáo trong nước còn yếu, đặc biệt về tiềm lực tài chính, về đội ngũ con người, về sự chuyên nghiệp. Đây là một tất yếu, khi ngành quảng cáo của chúng ta mới có tuổi đời 10 năm, trong khi hoạt động quảng cáo của các nước đã có hàng trăm năm phát triển.
Ông Đỗ Kim Dũng - Giám đốc Công ty quảng cáo An Tiêm - Viện trưởng Viện nghiên cứu đào tạo quảng cáo Việt Nam lại nêu lên một "lỗ hổng" khác, đó là về đào tạo nhân lực cho ngành quảng cáo hiện nay gần như là con số không. Lực lượng lao động trong ngành quảng cáo lên tới 50.000 người, nhưng 99% không được đào tạo.
Ông Nguyễn Quí Cáp - Chủ tịch Hiệp hội quảng cáo TPHCM: Chủ tịch - Tổng Giám đốc của Công ty cổ phần quảng cáo trẻ (TPHCM) nêu ra tình trạng hiện nay mỗi địa phương đưa ra các qui định khác nhau, thậm chí trái ngược nhau, gây khó khăn cho người làm quảng cáo. Ví dụ: TPHCM không cho phép quảng cáo trên xe buýt, nhưng các thành phố khác lại được phép.
Bà Bùi Thị Kim Nga- Tổng giám đốc Công ty quảng cáo Bình Minh (có trụ sở ở Hà Nội) cho rằng: hoạt động quảng cáo phát triển mạnh mẽ từng giờ, từng ngày, trong khi nhiều cái mà văn bản pháp qui chưa theo kịp, gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong quá trình hoạt động. Thường thì các doanh nghiệp phải kêu ca, phản ánh mãi, rồi các cơ quan chức năng mới tìm hiểu, sau đó khá lâu văn bản mới ra đời. Mà văn bản ấy cần phải có sự đồng ý của rất nhiều các cơ quan, ban, ngành chức năng. Chính vì thế chờ được các văn bản qui định ra đời, thì cơ hội đã "tuột" khỏi tay các doanh nghiệp, thậm chí kéo theo sự đi xuống của một số doanh nghiệp. Bà Bùi Thị Kim Nga kết luận: Các doanh nghiệp của ngành quảng cáo cần nhất một hành lang pháp lý rõ ràng!
Cởi bỏ áo chật: cách nào?
Pháp lệnh Quảng cáo qua 5 năm đi vào thực thi đã góp phần đảm bảo hiệu lực của công tác quản lý nhà nước về quảng cáo. Tuy nhiên, theo nhiều doanh nghiệp quảng cáo với tốc độ phát triển của nền kinh tế thị trường và của ngành quảng cáo thì rất nhiều những qui định nêu ra trong Pháp lệnh đã trở nên lạc hậu, trong đó có những qui định cụ thể về số ngày đăng quảng cáo của mỗi đợt quảng cáo cho một số sản phẩm quảng cáo (đối với báo in), qui định mỗi đợt phát sóng đối với một sản phẩm quảng cáo (đối với truyền hình)...
Để từng bước hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật về quảng cáo cho phù hợp với tình hình thực tiễn, Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch đã kiến nghị Chính phủ cho phép xây dựng Luật Quảng cáo trên cơ sở Pháp lệnh Quảng cáo, trình Quốc hội thông qua vào năm 2010. Theo nhiều doanh nghiệp quảng cáo, muốn xây dựng được Luật Quảng cáo phù hợp với thực tiễn cuộc sống và thực sự trở thành hàng lang pháp lý tạo thuận lợi cho hoạt động của các doanh nghiệp quảng cáo, thì cần có ý kiến tham gia của Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam và các doanh nghiệp quảng cáo.
Để tạo nguồn nhân lực cho ngành quảng cáo, ông Đỗ Kim Dũng - Viện trưởng Viện nghiên cứu đào tạo quảng cáo Việt Nam cho biết hiện ông đã "lo" xong giấy phép thành lập Viện và xúc tiến khâu soạn bộ giáo trình. Bởi vì, theo ông Dũng, "phải có giáo trình, có giáo viên thì mới đào tạo ra được một đội ngũ chuyên nghiệp. Nhu cầu người học thì rất lớn, nhưng những người "thầy" trong ngành quảng cáo thì rất hiếm. Nếu mời giảng viên nước ngoài vào Việt Nam thì chi phí rất đắt. Hiện tôi đã làm việc với nhiều trường đại học, nhiều viện nghiên cứu để hoàn thiện bộ giáo trình này. Chúng tôi dự kiến chiêu sinh khoá đầu tiên vào tháng 3/2008".
Lấp những khoảng trống, cởi bỏ chiếc áo chật... Đó là những công việc mà ngành quảng cáo đang nỗ lực làm đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Thực tiễn đòi hỏi các các sản phẩm quảng cáo Việt phải nâng lên tầm toàn cầu. Các công ty quảng cáo phải vươn mình lên bằng cách chuyên nghiệp hoá, đủ sức quảng bá cho thương hiệu Việt ở trong nước và nước ngoài.
Tags: